Dù ngành Giáo dục và Đào tạo không có một yêu cầu nào về việc thi tuyển học sinh vào lớp Một nhưng trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, việc cho con học trước sẽ là bước “tạo đà” cần thiết cho con vào lớp Một. Họ cho rằng: con em mình được tiếp cận trước chương trình lớp Một sẽ là một lợi thế không nhỏ, khi vào học chính thức sẽ không phải mất nhiều thời gian bỡ ngỡ, làm quen, từ đó có thể tiếp thu bài học dễ dàng, chắc chắn hơn. Thậm chí, có bậc phụ huynh còn tỏ ra tin tưởng việc cho con đi học trước sẽ giúp con mình có được những “điểm số đẹp”, để có thứ hạng cao trong lớp. Do ảnh hưởng từ những “quan điểm” trên, trào lưu cho con học trước chương trình lớp Một vẫn còn đang diễn ra một số nơi.
Một số phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp Một vào mỗi dịp hè hoặc cuối năm trẻ học Mẫu giáo lớn lại tất tả lo tìm chỗ học cho con. Thay vì cho con được nghỉ ngơi, thư giãn, cuộc chạy đua cho con “đọc thông, viết thạo” trước khi vào lớp Một lại diễn ra. Bố và mẹ đều sợ vào năm học con tiếp thu chậm, không theo kịp các bạn trong lớp. Vậy là những đứa trẻ mới lên 5, đang tuổi ăn, tuổi chơi đã sớm phải gò mình vào sách vở, “đánh vật” với từng con chữ, phép tính.
Không ít phụ huynh tìm mua sách hướng dẫn về nghiên cứu để tự luyện chữ cho con. Cuộc chạy đua ngầm của các bậc phụ huynh với lý do tạo cho con sự tự tin bằng việc luyện chữ đã khiến ngày hè của trẻ em chuẩn bị bước vào lớp Một là những chuỗi ngày gò mình với từng con chữ.
Nhưng, phụ huynh đâu biết rằng, ép cho trẻ học trước chương trình lớp Một là “Lợi bất cập hại”.
Theo các chuyên gia giáo dục, học trước chương trình sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp Một, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Với những trẻ biết đọc, biết viết trước thường mạnh dạn, tự tin hơn các bạn khác khi bắt đầu vào học, nhưng sau vài tuần, trẻ sẽ chủ quan khi cô giảng, trong khi đó những trẻ không được học trước sẽ háo hức và tập trung hơn.
Việc ép trẻ học trước chương trình khi các cháu còn đang ở độ tuổi ăn, tuổi chơi có thể tạo ra những áp lực tâm lý căng thẳng không đáng có, chẳng khác nào trái non mà cha mẹ ép chín.
Khi tâm lý căng thẳng, trẻ dễ gặp vấn đề trong tư thế ngồi sai, trở thành thói quen và sẽ ảnh hưởng đến cột sống. Ở tuổi này, độ cong sinh lý cột sống của trẻ chưa được hình thành, quá trình hóa thạch chưa được hoàn thành, xương dễ bị biến dạng. Và rất dễ hình thành các tư thế ngồi xấu như thắt lưng, cúi đầu và vặn người, có thể gây biến dạng cột sống.
Trẻ căng thẳng, mệt mỏi dễ ngồi sai tư thế.
Do khả năng tiếp thu của mỗi trẻ không giống nhau, những trẻ tiếp thu chậm hơn có thể mang tâm lý sợ hãi, ám ảnh nặng nề đối với việc học và về lâu về dài có thể làm mất hứng thú học tập của trẻ, trong khi chặng đường học tập phía trước còn rất dài. Hơn nữa, thái độ học của trẻ cũng có thể không tốt vì trẻ thường nghịch ngợm, quậy phá, không chịu ngồi im, lâu ngày sẽ thành thói quen.
Khi học thêm, trẻ sẽ phải viết rất nhiều, viết là một kỹ năng rất tinh tế. Cơ bắp nhỏ của trẻ phát triển muộn. Khi viết, trẻ phải sử dụng nhiều lực hơn để cầm bút, sức mạnh và sức chịu đựng cơ bắp của trẻ em tương đối kém. Nếu trẻ viết lâu, rất dễ gây ra mệt mỏi và biến dạng xương ngón tay.
Ngoài ra, viết sớm ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của trẻ. Con phải đặt sách gần mắt để nhìn rõ, sự phối hợp của mắt và tay là thấp. Trẻ phải nhìn chằm chằm vào đầu bút để viết một từ, vì vậy mắt sẽ nhanh chóng bị mỏi. Theo thời gian, nó làm giảm khả năng điều chỉnh độ dài tiêu cự của mắt và có thể gây ra cận thị.
Chưa nói đến việc, hiện tại ngành giáo dục đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc phụ huynh lựa chọn giáo viên cho con mình học thêm liệu có cập nhật được phương pháp dạy học phù hợp với chương trình mới không?.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học, tâm lý giáo dục cho rằng: 6 tuổi là độ tuổi vừa “chín” để có thể bước vào lớp Một. Do đó, khi chưa tròn 6 tuổi, các yếu tố về thể lực, kỹ năng, tâm lý của trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu về vận động, sinh hoạt, giao tiếp, học tập của học sinh lớp Một.
Như vậy, việc cho trẻ học trước chương trình lớp Một sẽ là lợi bất cập hại.
Do đó, các bậc phụ huynh không nên quá chú trọng đến việc trang bị kiến thức, mà cần chuẩn bị sẵn cho trẻ tâm lý vui vẻ, thoải mái, thân thiện khi bước vào ngôi trường tiểu học, quan trọng hơn cả là yếu tố sức khỏe và sự hứng thú đối với việc đến trường!
Để đảm bảo về mặt sức khoẻ cũng như tâm lý của trẻ khi vào học lớp một, các bậc cha mẹ nên có những chuẩn bị trước cho bé về tâm lý chuẩn bị thay đổi môi trường học tập, từ học mầm non được vui chơi thoải mái về thời gian và không gian vận động sang học tập ở môi trường mới học tiểu học, trong môi trường có kỷ luật, thời gian và không gian gò bó hơn trước. Để trẻ chuyển giai đoạn không làm ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập, bố mẹ nên cho bé tham gia vào các lớp kể chuyện sáng tạo, nhạc, vẽ …các lớp phát triển khả năng trí tuệ, phát triển kỹ năng xã hội...
Ở mầm non trẻ được tìm hiểu những kiến thức phù hợp với lứa tuổi.
Được thực hành những kỹ năng cơ bản.
Được tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Phát triển tố chất vận động.
Cùng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ trước khi lên lớp Một.
Theo quy tắc tăng trưởng của trẻ em, sẽ có những cách học tương ứng theo từng độ tuổi để phát huy tối đa tiềm năng của trẻ. Phụ huynh không nên lo lắng về việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một, mà nên cho con theo học đủ 35 tuần thực học đối với trẻ Mầm non theo Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo./.