Năm học 2022 – 2023, Sở GDĐT Hải Phòng tập trung triển khai, chỉ đạo thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021 - 2025 gắn với chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh – an toàn – thân thiện” nhằm tạo môi trường giáo dục phù hợp, thân thiện qua đó giúp cho trẻ tích cực tham gia các hoạt động.
Sau đây là một số biện pháp xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm mà trường mầm non An Hưng đã tập trung thực hiện có hiệu quả đó là:
1. Biện pháp 1: Xây dựng môi trường trong lớp học và ngoài lớp học.
* Môi trường trong lớp học:
Đối với trẻ mầm non việc học của trẻ thường được thực hiện thông qua hình thức “Học bằng chơi, chơi mà học”. Do đó để phát huy tính tích cực của trẻ, khi thiết kế các góc hoạt động giáo viên cần chú ý đến diện tích, không gian lớp học và đối tượng trẻ trong nhóm, lớp, sắp xếp vị trí các góc chơi phù hợp, bố trí hài hòa giữa các góc động và góc tĩnh, việc sắp xếp các đồ dùng đồ chơi luôn luôn được thay đổi. Để tạo ra sự hấp dẫn đối với trẻ sau mỗi chủ đề giáo viên cần thay đổi vị trí các góc chơi để tạo cho trẻ cảm giác mới lạ, tạo các góc mở linh hoạt để trẻ được thao tác, tháo lắp, trải nghiệm và thực hành qua đó sẽ phát triển tư duy và khéo léo cho trẻ... Bên cạnh đó tất cả tranh, ảnh, mô hình và tên các góc cần gắn kèm từ để trẻ được làm quen chữ cái, chữ số, giúp cho trẻ được chủ động tích cực, vui chơi, tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, thực hành, hợp tác, trò chuyện và chia sẻ ý tưởng.
Môi trường giáo dục lớp 5A1
* Môi trường bên ngoài lớp học:
Đối với trẻ mầm non, môi trường ngoài lớp học là yếu tố góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục toàn diện cho trẻ. Để tạo cho trẻ có nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, nhà trường cần sắp xếp các khu vực chơi với đất, cát, nước, đá, sỏi..., cho trẻ hoạt động trải nghiệm vật chìm, nổi, đóng khuôn, đong nước, pha màu... tận dụng tối đa cơ hội cho trẻ được trải nghiệm với các thiết bị trên sân. Bên cạnh đó cần xây dựng các gian hàng chợ quê, góc thư viện, góc bé vui khám phá cho trẻ hoạt động. Với góc chợ quê giáo viên có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa như “Ngày hội quê em”, trẻ được trải nghiệm mua và bán hàng qua đó tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp và phối hợp nhịp nhàng giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ nên hiệu quả các hoạt động có chất lượng cao hơn, trẻ yêu trường, yêu lớp, yêu cô giáo, biết quan tâm đến bạn bè, có kỹ năng và tự tin trong giao tiếp.
Đối với Góc thư viện, trẻ được trải nghiệm làm sách tranh, làm album về các chủ đề. Góc bé vui khám phá, trẻ được trải nghiệm chơi với nước, cát, hạt muồng muồng, từ đó bé được khám phá được nhiều điều mới lạ.
2. Biện pháp 2: Tận dụng phế liệu, các nguyên vật liệu từ thiên nhiên sẵn có của địa phương.
Đối với trẻ mầm non đồ dùng, đồ chơi không thể thiếu trong các hoạt động của trẻ. Ngay từ đầu năm học giáo viên cần lên kế hoạch cho việc làm đồ dùng đồ chơi phục vụ các góc chơi phù hợp với từng chủ đề. Tận dụng nguyên vật liệu, phế liệu có sẵn như: Bìa catton, xốp, đĩa CD cũ các trang giấy báo có màu sắc hấp dẫn, các loại vỏ chai nhựa đảm bảo an toàn khi sử dụng như nhựa PET, HDPE, PVC…. sử dụng những nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương như: Lá cây, hạt gấc, hạt ngô, lõi ngô khô, rơm khô, lá khô...., giáo viên sẽ tạo ra nhiều bộ đồ dùng, đồ chơi tự tạo phục vụ cho các hoạt động trong lớp học ngày càng phong phú và đa dạng, bên cạnh đó cần tạo mọi cơ hội, khuyến khích trẻ cùng cô giáo làm đồ dùng, đồ chơi ở các góc, từ đó trẻ tự trải nghiệm và sáng tạo bằng nhiều cách khác nhau. Qua đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Môi trường giáo dục lớp NTS1
Môi trường giáo dục lớp 3C3
Các bé lớp 5A1 đang làm đồ chơi từ các nguyên học liệu
3. Biện pháp 3: Phối kết hợp giữa giáo viên, gia đình và nhà trường
Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là một trong những nhiệm vụ đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Vì vậy ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch phối hợp, đồng thời tích cực tham mưu các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các bậc phụ huynh học sinh thông qua các cuộc họp đầu năm, giữa năm, cuối năm, qua các cuộc họp hội đồng hàng tháng và qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề để huy động sự chung tay của các tổ chức xã hội... Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các nhóm, lớp phối hợp với các bậc phụ huynh, tham gia vào các hoạt động của trường, của lớp như: tham gia làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo ngoài trời cho trẻ, thực hiện trang trí trường lớp và ủng hộ cây hoa, cây cảnh, đóng góp ngày công lao động để cải tạo vườn trường. Từ đó, phụ huynh thấy được tầm quan trọng của giáo dục mầm non và dành nhiều sự quan tâm, thời gian, công sức để hỗ trợ giáo viên trong việc xây dựng môi trường hoạt động cho trẻ.
Phụ huynh lớp 4B5 giúp nhà trường sửa lại nền phòng ngủ
Phụ huynh đến trang trí lớp tổ chức Vui tết thiếu nhi lớp 5A1
Phụ huynh tham gia tổ chức "Ngày hội gói bánh chưng - Xuân 2023" cho các bé
Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non thực sự cần thiết và quan trọng. Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí sắp xếp giữa khu vực vui chơi học tập trong lớp và ngoài trời phù hợp, trẻ tích cực được vui chơi, trải nghiệm sẽ giúp cho trẻ mạnh dạn, tự tin, linh hoạt, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của bản thân, từ đó sẽ hào hứng, thích thú khi tham gia hoạt động tập thể, tạo hứng thú, niềm vui cho cô và trẻ mỗi ngày đến trường và đặc biệt hơn là tạo được sự tin tưởng của phụ huynh và cộng đồng đối với Giáo dục Mầm non.