Tại sao phải tổ chức giờ ăn cho trẻ mầm non?
Nhu cầu về dinh dưỡng ở khác trẻ hoàn toàn khác nhau. Chế độ dinh dưỡng có thể phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao hoặc khả năng hấp thụ ở trẻ. Do đó, dinh dưỡng vô cùng cần thiết cho sự phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ ở trẻ.
Dinh dưỡng tốt thôi chưa đủ, cần phải có thêm một chế độ ăn tốt. Vì vậy, tổ chức giờ ăn là một hoạt động vô cùng cần thiết. Hoạt động này có thể khuyến khích trẻ ăn đúng, ăn đủ mà không có bất cứ sự ràng buộc nào khác.
Quy trình tổ chức giờ ăn cho trẻ mầm non
Quy trình tổ chức bữa ăn sẽ được thực hiện tuần tự theo các bước sau:
Chuẩn bị trước giờ ăn
Mỗi bữa ăn của trẻ mầm non thường kéo dài khoảng 60 phút. Do đó, từ khâu chuẩn bị đến kết thúc giờ ăn phải được kết hợp nhịp nhàng. Đặc biệt là khâu chuẩn bị trước giờ ăn rất quan trọng.
Đầu tiên, giáo viên cần chuẩn bị: bát, thìa, đũa và các vật dụng liên quan khác. Các cô thực hiện phân chia thức ăn thành các phần đều nhau. Đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ vừa đủ. Nếu khẩu phần ăn quá nhiều sẽ làm trẻ khó tiêu hoá, rất hại cho sức khỏe. Quá trình chia ăn cần đảm bảo vệ sinh, giáo viên sử dụng găng tay, đeo khẩu trang theo quy định.
Giáo viên thực hiện sắp xếp bàn ghế, để chuẩn bị cho trẻ. Với các trẻ lớn hơn từ 4 – 5 tuổi, cô và trẻ có thể cùng nhau thực hiện việc sắp xếp bàn ghế. Đặc biệt, các trẻ cần được vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn uống.
Nào mình cùng rửa mặt sạch sẽ nhé
Hôm nay mình đựoc ăn cơm thịt bò sốt vang ngon quá
Tổ chức đội hình
Các trẻ được sắp xếp ngồi theo từng nhóm 6-8 trẻ hoặc theo bàn đã được xếp sẵn. Thông thường, các trẻ nhỏ được ngồi theo vị trí bàn ghế đã sắp xếp sẵn. Thường gặp nhất là dạng chữ U hoặc L, giáo viên dễ dàng quan sát trẻ.
Quá trình ăn uống của trẻ
Sau khi ổn định vị trí của các trẻ, giáo viên sẽ chia đều thức ăn đến từng bát theo từng bàn. Các trẻ ăn chậm sẽ được phát trước, đảm bảo trẻ có thể ăn hết khẩu phần của mình mà không quá 60 phút. Các cô hướng dẫn trẻ ngồi thẳng, ngồi đúng khoảng cách và thực hiện lời mời mọi người cùng ăn.
Trong quá trình trẻ ăn uống, giáo viên luôn duy trì không khí vui vẻ, tránh căng thẳng, luôn khuyến khích, động viên trẻ tự ăn và ăn hết phần ăn của mình.
Các cô cũng có thể giới thiệu cho trẻ về tên của các thực phẩm trong bữa ăn. Luôn quan sát quá trình ăn uống của trẻ, tránh các hiện tượng hóc nghẹn hoặc bất cứ trường hợp xấu nào khác có thể xảy ra.
Các cô luôn duy trì nhắc nhở trẻ giữ trật tự khi ăn, không đùa giỡn, giành giật hoặc làm rơi vãi thức ăn. Nếu có, cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, không quát mắng hay đánh đập trẻ.
Kết thúc giờ ăn
Sau khi ăn xong, giáo viên hướng dẫn trẻ tự dọn bát, thìa của mình vào rổ đựng và nhắc nhở trẻ uống nước, xúc miệng nước muối sạch sẽ sau khi ăn cho trẻ.