Như chúng ta đã biết, trẻ Mầm non học mà chơi - chơi mà học và hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của con trẻ. Thông qua các hoạt động góc, trẻ sẽ được hình thành và phát triển cấu trúc tâm lý của bản thân. Hoạt động này có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành nhân cách trẻ và vui chơi là tiền đề cho hoạt động học tập ở lứa tuổi tiếp theo.
Hoạt động góc là phương tiện hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ về đạo đức, tri tuệ, thể chất, thẩm mỹ. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp trẻ biết chia sẻ niềm vui của mình với các bạn, với cộng đồng làm cho thế giới xung quanh trẻ luôn tươi đẹp và rộng lớn hơn, tuổi thơ của trẻ sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp theo trẻ suốt cuộc đời. Từ đó, làm giàu tình cảm và trí tuệ cho trẻ.
Hoạt động góc không chỉ nhằm tạo ra sản phẩm mà còn để thỏa mãn nhu cầu chơi của trẻ. Trẻ được chơi theo nhu cầu, hứng thú của trẻ, trẻ tự nguyện chơi sau khi đã chọn góc chơi mình thích. Trẻ chơi theo sự gợi mở và hướng dẫn của cô khi tham gia vào trò chơi. Trẻ chơi chủ yếu theo nhu cầu và khả năng của trẻ, nhu cầu muốn bắt chước, muốn làm người lớn, nhưng khả năng và sức lực của trẻ chưa đủ để làm người lớn, do đó trẻ sẽ giải tỏa nhu cầu đó dưới hình thức là hoạt động góc. Tại lớp 3 tuổi C3 lớp tôi phụ trách hàng ngày trẻ được tham gia vào các góc chơi ở lớp như: Góc phân vai, góc sách truyện, góc xây dựng, góc học tập - khám phá, góc nghệ thuật... Ở mỗi góc chơi trẻ đều được học những kiến thức, kỹ năng khác nhau và quan trọng hơn cả là trẻ có cơ hội để thể hiện mình và biết phối hợp cùng các bạn tham gia các hoạt động.
Nhờ hoạt động góc, trẻ được tham gia vào xã hội người lớn theo cách riêng của mình, chúng sẽ tưởng tượng mình là người lớn và cũng đóng một cương vị xã hội như cô giáo, bác sĩ, chú công nhân, cô bán hàng… Với vai trò đó, các bạn nhỏ đã tái tạo lại cuộc sống của người lớn một cách tổng quát trong hoàn cảnh tưởng tượng vì chơi của trẻ không phải thật mà là giả vờ, nhưng sự giả vờ ấy lại mang tính chất rất thật. Và sau đây là một số hình ảnh trong hoạt động góc của các bé.