Việc bé biếng ăn, khó hấp thu, không mập mạp bằng các bạn đồng trang lứa dường như luôn là nỗi lo của rất nhiều bố mẹ. Tình trạng suy dinh dưỡng thường gặp là ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là ở lứa tuổi từ 24-36 tháng, là giai đoạn chuyển từ bú sữa sang ăn thức ăn thô. Vậy trẻ suy dinh dưỡng nên ăn gì. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bố mẹ những thông tin về dinh dưỡng để nuôi bé phát triển tốt.
1. Trẻ suy dinh dưỡng nên ăn gì?
Nguyên tắc chung trong một bữa ăn cho bé suy dinh dưỡng là cố gắng làm tăng năng lượng và tăng chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho bé, tùy theo lứa tuổi và mức độ dung nạp của bé. Sau đây là một số nguyên tắc cơ bản về việc trẻ suy dinh dưỡng nên ăn gì.
1.1. Nấu đặc
Bắt đầu từ khi ăn dặm, trẻ phải được ăn từ loãng đến đặc dần. Vì nếu nấu loãng, nhiều nước thì năng lượng sẽ thấp, dạ dày bé bị đầy bởi nước và không thể chứa thêm dù bữa ăn đó chưa đủ năng lượng. Từ 6 – 9 tháng, mỗi ngày nên cho trẻ ăn 2 chén bột khuấy đặc như hồ. Mỗi chén bột phải có đủ 4 nhóm chất: đạm, bột, rau, dầu.
Nếu trẻ khó tiêu, bác sĩ có thể chỉ định dùng men amylase hoặc neopeptin nhỏ vào chén bột hoặc uống. Lưu ý không được sử dụng dài ngày hay tự ý sử dụng.
1.2. Tăng bữa ăn
Ngày ăn 5 – 6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Nên cho trẻ ăn thêm bữa phụ, ví dụ như sau khi ăn bữa chính nếu trẻ ăn ít hơn nửa chén thì ta cho trẻ uống nửa ly sữa, nửa cốc sữa chua, hoặc nửa quả chuối… Làm như vậy trẻ sẽ đỡ chán ăn.
Tại sao chỉ là nửa ly sữa, nửa quá chuối mà không phải là một? Vì bố mẹ chỉ nên cho trẻ ăn thêm vừa sức của trẻ. Không nên ép trẻ ăn hết khi trẻ đã chán. Vì làm thế, trẻ có thể sẽ nôn trớ và “sợ ăn” dẫn tới biếng ăn sau này. Đặc biệt, trẻ suy dinh dưỡng có thể cho trẻ thêm một cữ sữa buổi tối.
Trẻ suy dinh dưỡng nên ăn gì? Phụ huynh cần lưu ý không nên cho trẻ uống nước trái cây trước khi ăn, hoặc coi nước trái cây là một bữa phụ vì nước trái cây rất ít năng lượng, chỉ có vitamin tan trong trong nước và có đường nên sẽ làm trẻ “ngang bụng” không muốn ăn bữa chính. Cách ăn trái cây đúng nhất là ăn cả cái.
1.3. Tăng dầu mỡ và thực phẩm giàu năng lượng
Trẻ suy dinh dưỡng nên ăn gì? Dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mẹ có thể cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào… để tăng năng lượng trong bữa ăn của trẻ. Ngoài ra chất dầu còn làm chén bột mềm, không quá khô để dễ ăn.
Trong chế độ ăn, ngoài bột, cháo hoặc cơm, trẻ cần ăn thêm các thực phẩm có năng lượng cao như dầu, mỡ, các thức ăn giàu protein động vật như: thịt, cá, trứng, sữa… các loại rau xanh và quả tươi giàu vitamin.
Khi cai sữa mẹ, tránh tình trạng ăn quá nhiều chất bột, thiếu chất đạm sẽ gây cho trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.
Cách chế biến bữa ăn cũng nên phù hợp với khẩu vị của trẻ, thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.
1.4. Bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết cho bé
Khi trẻ đã bị suy dinh dưỡng thì trẻ cần bổ sung một số vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng). Bố mẹ có thể xin tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được cho thuốc thích hợp. Các bà mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con vì tuy là “thuốc bổ” nhưng nếu dùng không đúng cũng sẽ gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ
Canxi: Thức ăn giàu canxi bao gồm sữa, phô mai, các sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậu tương, cá,… Gần đây ở thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều sản phẩm tăng cường canxi như bánh mỳ, bánh bích quy, ngũ cốc ăn liền. Trẻ từ 3 – 5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị sữa và chế phẩm sữa, 1 đơn vị sữa tương đương 1 miếng phô mai (15g phô mai), hoặc 1 hộp sữa chua (100ml sữa chua) hoặc 2 ly sữa nhỏ (200ml sữa dạng lỏng).
Kẽm: Kẽm giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng cho bé. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển và gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Trẻ biếng ăn kéo dài sẽ dễ bị suy dinh dưỡng. Các thực phẩm giàu kẽm gồm có thịt đỏ (thịt bò), một số hải sản (sò,…), ngũ cốc nguyên hạt và một số ngũ cốc ăn liền được tăng cường kẽm.
Vitamin D: Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Các thực phẩm có vitamin D gồm một số dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo (cá hồi…), lòng đỏ trứng gà. Thực phẩm giàu vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi, làm xương chắc khoẻ và tăng trưởng tốt. Trẻ cũng cần tăng cường vận động ngoài trời để tăng cường hấp thu canxi.
Vitamin A: bổ sung vitamin A mỗi 6 tháng cho trẻ bắt đầu ăn dặm
Đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, việc bổ sung vitamin A, sắt, kẽm, muối i-ốt, canxi, đa vi chất hiệu quả sẽ giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng. Việc cho trẻ ăn như đúng cách sẽ giúp trẻ cải thiện được chiều cao, cân nặng tốt nhất.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia