Mùa mưa, nồm ẩm khiến không khí ẩm ướt, nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, sốt rét, sốt xuất huyết và nhiễm trùng…ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con trẻ. Vì thế, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cho bé trong những ngày nồm ẩm kéo dài cần chăm sóc và phòng bệnh cho bé. Để chăm sóc và phòng bệnh đúng cách cho trẻ, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tăng sức đề kháng:
Nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh trong mùa nồm ẩm, cần chú ý một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết như B1, B12, kẽm…
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tập cho trẻ chế độ sinh hoạt khoa học như ngủ đúng giờ và đủ giấc. Khuyến khích trẻ tập thể dục hàng ngày, cho trẻ nhỏ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời 15 phút mỗi buổi sáng sớm hoặc xế chiều. Vệ sinh cơ thể, tay chân cho trẻ thật sạch sẽ sau mỗi bữa ăn, sau khi đi ra đường về.
2. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm:
Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Hạn chế tối đa việc cho trẻ ăn đồ tái, sống, ăn bằng tay. Cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên cho ăn thêm hoa quả, rau xanh, tránh ăn nhiều chất béo.
3. Giữ cho cơ thể bé luôn sạch sẽ:
Đây là bước quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ nhỏ mùa mưa, nồm, giúp virus không có cơ hội tấn công bé. Các mẹ cũng nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô để thấm mồ hôi, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh và luôn sạch sẽ, khô ráo. Lau kỹ vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân-nơi ra nhiều mồ hôi nhất. Ngoài ra, các mẹ nên tắm cho trẻ với loại xà phòng hoặc sữa tắm trẻ em có tính sát khuẩn nhẹ hàng ngày để giúp trẻ tránh nhiễm phải các vi khuẩn gây bệnh.
4. Vệ sinh nhà cửa hàng ngày:
Tạo môi trường sạch cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Các gia đình nên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo, sấy thật khô quần áo để tránh tạo điều kiện nấm mốc phát triển.
Trong mỗi gia đình, không nên dùng thảm trải nhà.Nếu có thảm thì phụ huynh phải thường xuyên hút ẩm, làm sạch tránh nguy cơ mắc các bệnh ngoài da như dị ứng, viêm nhiễm da. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng điều hòa hoặc máy sưởi để làm ấm không khí, tránh lạnh và không phải mặc nhiều quần áo cho trẻ.
5. Chú ý trang phục:
Buổi sáng khi đi học, nên cho trẻ mặc áo cotton bên trong và bên ngoài khoác áo rét. Đảm bảo sáng trẻ được mặc ấm, trưa nóng có thể cởi áo khoác để tránh tích tụ mồ hôi sinh cảm lạnh.
Vào ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, nên có sẵn vài chiếc khăn mềm thấm nước lau mồ hôi. Chú ý lau kỹ phần lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân.
6. Giữ cho trẻ tránh xa côn trùng và muỗi:
Để tránh cho trẻ không bị muỗi đốt, làm phiền giấc ngủ của bé, các mẹ phải luôn cho bé mặc những bộ quần áo bằng vải cotton nhẹ có tay áo dài, đặc biệt là vào buổi tối và dùng thuốc chống muỗi trong phòng của bé.
Ngoài ra, các mẹ cũng nên thoa kem chống muỗi cho trẻ theo hướng dẫn sử dụng từ các bác sĩ nhi khoa. Bạn cũng có thể lắp màn chống muỗi chỗ giường ngủ của bé khi bé ngủ hay thiết kế một lưới dây thép vào cửa sổ và cửa ra vào để tránh muỗi xâm nhập vào.
7. Giữ ấm cơ thể:
Bạn cần giữ ấm bụng cho trẻ. Trẻ bị lạnh bụng dễ gây đau bụng, bị tiêu chảy hoặc các triệu chứng khác, hạn chế ra ngoài trời, tiếp xúc với nóng – lạnh đột ngột.
Đồng thời, cha mẹ cần cho trẻ đi tất, giày ấm, giữ ấm bàn chân trẻ vì đây là nơi nhạy cảm với môi trường, khi bị lạnh, dễ bị bệnh hô hấp, suy giảm sức khỏe.Trước khi đi ngủ, bạn, nên rửa sạch và ngâm chân trẻ trong nước ấm, rồi lau hoặc sấy khô.
8. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe:
Cần để ý những sự bất thường của trẻ như ho, sốt cao, phát ban, quấy khóc kéo dài, mọc mụn nước, sổ mũi… để đưa đến ngay các cơ sở y tế điều trị kịp thời. Mẹ thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của bé bằng nhiệt kế chuyên dụng để chủ động việc chăm sóc sức khỏe cho con.
9. Giữ ấm bàn chân trẻ
Gan bàn chân thường là nơi dễ bị ảnh hưởng khi ở môi trường lạnh, tác động đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe. Hãy cho trẻ đi tất, giày ấm. Trước khi ngủ cần rửa sạch và ngâm chân trong nước ấm, lau khô để ngừa cảm lạnh.Tránh để trẻ bị ướt chân vì mưa lạnh, làm khô ngay để tránh cảm lạnh. Không cho trẻ dầm mưa, không đi chân đất, tắm quá lâu hoặc mặc quần áo ẩm ướt khi trời nồm.
Trẻ vừa ngủ dậy không nên cho trẻ ra ngoài ngay, mặc đủ áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài. Nếu xung quanh có người sổ mũi, hắt hơi hay mắc bệnh, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong thời tiết nồm ẩm trong mùa xuân là vô cùng quan trọng. Việc làm này giúp cho bé yêu luôn khỏe mạnh. Qua đây cũng rất mong các bậc phụ huynh sẽ chú ý hơn về công tác vệ sinh cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để giúp các bé tránh được các bệnh thường gặp trong thời tiết nồm, ẩm ướt.