1. Trò chơi đơn giản tại nhà cùng con: Chiếc hộp bí mật
Chuẩn bị:
-
1 chiếc hộp bằng giấy hoặc nhựa. Tạo một lỗ tròn nhỏ trên thân hộp sao cho bé có thể cho tay vào trong hộp để lấy đồ ra.
-
Đồ chơi hằng ngày của bé như gấu bông, bóng, sách, xe đồ chơi, khối hình,... để trong hộp.
Cách chơi: Ba mẹ không được để bé biết những đồ mình cho vào trong hộp là gì.
Bắt đầu chơi, bé thò tay vào trong hộp, chạm vào 1 món đồ và đoán đó là món gì rồi lấy ra khỏi hộp (mỗi lần chỉ lấy 1 món đồ).
Nếu con đoán đúng thì được 1 điểm. Kết thúc trò chơi, tùy vào số lượng đoán trúng của con để nhận được phần thưởng nho nhỏ như cây kẹo, cái bánh, que kem hay bé được quyền yêu cầu ba mẹ thực hiện 1 điều gì đó nho nhỏ như hát một bài hát nào đó còn ba mẹ đứng múa phụ họa với điều kiện các động tác trong bài múa phải vui vẻ, gây cười cho cả nhà.
Trò chơi đơn giản mà thật thú vị phải không nào. Với trò chơi này bé sẽ phát huy được trí nhớ, trí tưởng tượng và phán đoán của mình.
2. Trò chơi đơn giản tại nhà cùng con: Vì sao bé buồn/ bé vui?
Chuẩn bị: 2 tờ giấy và bút, vẽ một hình mặt buồn (Bé buồn), mặt cười (Bé vui) lên giấy rồi gấp lại.
Cách chơi:
-
Bé chọn 1 tờ giấy mở ra và đọc lên Bé vui hoặc Bé buồn.
-
Sau đó, ba mẹ sẽ hỏi bé lí do vì sao em bé lại buồn? Ba mẹ có thể gợi ý để bé đưa ra lời giải thích, ví dụ: “Em bé buồn vì không được đến trường”.
-
Ba mẹ lại gợi mở tiếp: “Vậy mình phải làm gì để em bé khỏi buồn?”, bé sẽ trả lời: “Cả nhà chơi cùng nhau”. Rồi cả nhà tiếp tục chơi cùng nhau, ví dụ: Bé đóng vai cô giáo dạy ba mẹ học, bé là cô giáo dạy cho ba mẹ một bài hát hoặc một trò chơi…
-
Còn khi bé chọn được mặt cười, con sẽ đọc lên: Bé vui
-
Lúc này, ba mẹ sẽ hỏi: “Vì sao em bé vui như vậy?” Ba mẹ tiếp tục gợi ý lời giải thích nếu con chưa biết cách diễn đạt và gợi mở thêm để bé chia sẻ tương tự như với Bé buồn.
Trò chơi tưởng chừng rất nhàm chán nhưng giúp bé phát triển ngôn ngữ, khả năng nhận biết và biểu lộ cảm xúc, biết chia sẻ cảm xúc, câu chuyện của mình với mọi người.
3. Trò chơi xếp hình
Chuẩn bị: Bộ xếp hình (hột, hạt, que, hình vuông, hình tròn, hình tam giác) và hình mẫu. Nếu không có thể dùng bó đũa, que tính, các đồ vật có sẵn trong nhà...
Cách chơi: Cả nhà cùng xem hình mẫu rồi xếp hình theo mẫu hoặc sáng tạo một hình khác. Khi đã xếp xong, nhà mình sẽ nói về hình ảnh vừa xếp: đó là hình gì?
Trong lúc chơi, ba mẹ có thể hỏi bé về màu sắc và hình khối. Để thêm phần thú vị, ba mẹ có thể thi xếp hình với con theo mẫu, ai xếp xong trước sẽ thắng.
Trò chơi đơn giản nhưng giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo, khả năng sáng tạo và tính kiên nhẫn.
4. Trò chơi đơn giản tại nhà cùng con: Ai giống nhất?
Cách chơi rất đơn giản: Ba mẹ yêu cầu con hoặc ngược lại, bắt chước dáng đi, tiếng kêu của các con vật như: hổ, thỏ, chim, gà, vịt, khỉ… Ai thể hiện giống nhất sẽ là người thắng cuộc và nhận được phần quà nho nhỏ.
Với các bé dưới 3 tuổi, trò chơi này rất thú vị. Bé sẽ nhận được đặc điểm của các con vật và biết cách thể hiện các trạng thái khác nhau bằng những vận động, biểu cảm, bắt chước… Một cách vừa học vừa chơi với con ở nhà thật hay phải không ba mẹ?
5. Chơi đố
Chuẩn bị: Giấu thật nhiều đồ chơi, đồ dùng hằng ngày của bé xung quanh nhà.
Cách chơi:
-
Ba mẹ miêu tả đồ vật bằng màu sắc, hình dáng, công dụng của các đồ vật trong nhà.
-
Ba mẹ đố bé đi tìm và chỉ ra vị trí của những đồ vật mà ba mẹ yêu cầu bé tìm.
-
Ví dụ: Mẹ đố bé tìm được cái gì màu đỏ mà con hay dùng để che nắng khi ra ngoài?
-
Khi Bé mang cái mũ màu đỏ đến chỗ ba thì bé được 1 điểm và bé phải cất chiếc mũ vào đúng chỗ để tiếp tục trò chơi.
Trò chơi giúp con rèn luyện thói quen chú ý quan sát mọi thứ xung quanh mình và ghi nhớ nhanh.
Vừa học vừa chơi cùng con thật đơn giản mà phải không ba mẹ. Trẻ nhỏ rất đơn thuần, chỉ cần những trò chơi đơn giản tại nhà, có ba mẹ cùng tham gia thì bé cũng đã vui tít rồi. Hãy dành cho bé thời gian thật ý nghĩa và vui vẻ khi ở nhà nhé.