1. Tầm quan trọng của việc cha mẹ chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1
Trước khi tìm hiểu những điều cha mẹ cần làm để chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, bạn cần nắm được tại sao việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ lại trở nên đặc biệt quan trọng như vậy.
Các bậc phụ huynh rất cần chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 đúng cách.
Lớp 1 được xem là nền tảng giáo dục đầu tiên cho chặng đường cắp sách đến trường của các bé. Vì vậy, cha mẹ nào cũng muốn con mình có một khởi đầu thật suôn sẻ. Trong khi đó, các bé lại phải đối mặt với rất nhiều sự khác biệt khi thay đổi môi trường học từ mẫu giáo lên tiểu học khiến trẻ hoang mang, bối rối thậm chí sợ đi học.
Cụ thể, những khác biệt khi thay đổi môi trường học tập giữa mẫu giáo và tiểu học có thể kể đến:
- Thời gian học thay đổi
- Các bé bắt buộc phải học tập nghiêm túc, yêu cầu khả năng tập trung của các bé tăng lên (30-45 phút)
- Áp lực khi học tập và việc phải tuân thủ quy định, kỷ luật trường lớp
- Các bé cũng không được chăm sóc, quan tâm như khi còn đi học mẫu giáo
- Trong giai đoạn từ 5-6 tuổi, trẻ bắt đầu có những hình thành về cái tôi cá nhân, nên có xu hướng gặp khó khăn khi hòa đồng với bạn bè, dễ cáu gắt vô cớ…
Những thay đổi trên có thể khiến các bé trở nên tự ti, nhút nhát, không theo kịp các bạn cùng lớp, từ đó sợ đi học, sợ trường lớp. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh rất cần chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 đúng cách.
2. Cha mẹ cần chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 như thế nào?
Cha mẹ nên chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 dựa trên 2 tiêu chí về mặt kỹ năng và mặt tâm lý của trẻ.
Về mặt kỹ năng trước khi vào lớp 1
Cha mẹ nên rèn luyện kỹ năng tập trung cho các bé. Khi bước vào lớp 1, các bé buộc phải ngồi yên một chỗ và học hành nghiêm túc. Vì thế, để rèn luyện sự tập trung cho các bé, bố mẹ nên cho trẻ tham gia các hoạt động đòi hỏi trẻ tập trung. Từ đó, các bé sẽ dần làm quen với sự thay đổi này. Mức độ thời gian có thể đi từ thấp đến cao (chẳng hạn từ 5 đến 30 phút) để các bé dần thích nghi được với sự thay đổi.
Thói quen ăn ngủ, sinh hoạt của bé cũng cần được điều chỉnh, nhất là kỹ năng tự phục vụ. Bố mẹ cần tập cho trẻ tự đi vệ sinh, tự ăn uống, tự thay trang phục một cách bài bản.
Một kỹ năng quan trọng mà các bé cần được bố mẹ chuẩn bị trước khi bước vào lớp 1 chính là kỹ năng làm việc nhóm. Có rất nhiều bé tố chất thông minh nhưng chưa hoà đồng hay chưa biết hợp tác với các bạn. Điều này có thể gây ra khó khăn cho bé khi bắt đầu đi học lớp 1.
Bố mẹ cũng cần chuẩn bị vốn ngôn ngữ để bé bước vào lớp 1.
Để rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm của con, bố mẹ có thể chơi cùng con một trò chơi nhóm vào mỗi buổi tối. Qua đó, bố mẹ có thể quan sát hành vi của con và góp ý cho con. Đây là cách giúp con biết cách học tập và vui chơi một cách lành mạnh, công bằng, hoà đồng với bạn bè.
Bố mẹ cũng cần chuẩn bị vốn ngôn ngữ để bé bước vào lớp 1. Vốn ngôn ngữ của trẻ khi đi học lớp 1 phải đảm bảo hai yêu cầu. Thứ nhất, trẻ phải diễn đạt cho người khác hiểu. Thứ hai, phải hiểu được những người khác nói về những chủ đề gần gũi với cuộc sống của trẻ. Bố mẹ có thể mở rộng vốn ngôn ngữ của trẻ bằng cách sử dụng các cuốn đọc chữ theo tranh. Bố mẹ sẽ đọc truyện tranh cho trẻ vài lần, sau đó trẻ có thể giở lại từng trang và đọc đúng hàng chữ ở dưới tranh giống như trẻ biết chữ thật.
Bố mẹ cũng nên cho các bé tiếp xúc với chữ cái và con số. Thông qua việc giới thiệu các trò nhận biết mặt chữ cái, các con số, nặn các chữ cái, viết chữ… các bé có thể tiếp xúc trước với chữ cái và số để không có quá nhiều bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1.
Bố mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ viết một số nét cơ bản, cho con tham gia một số trò chơi tự tổ chức như đánh vần ghép chữ… Ngày nay, bố mẹ còn có thể cho các bé chơi các ứng dụng trên các thiết bị điện tử để làm quen với các con số hoặc chữ cái. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần quản lý thời gian sử dụng các loại thiết bị này, tránh để các bé bị nghiện sử dụng các thiết bị điện tử gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe, trí tuệ về sau này.
Về mặt tâm lý của trẻ
Bên cạnh các kỹ năng thì tâm lý của trẻ cũng là tiêu chí mà bố mẹ nên chuẩn bị cho bé khi bước vào lớp 1.
Đầu tiên, các bậc phụ huynh có thể khơi gợi sự yêu thích việc học của các bé thông qua những câu chuyện tại trường học khiến các bé tò mò. Bố mẹ cũng có thể cho con tự chuẩn bị góc học tập tại nhà. Chẳng hạn, phụ huynh có thể cho bé tự lựa chọn bàn học, tủ sách theo sở thích. Đây là cách để các bé cảm thấy thích thú khi ngồi học trên chính chiếc bàn mình chọn và cũng chăm chút cho góc học tập của mình hơn.
Các bậc phụ huynh có thể khơi gợi sự yêu thích việc học của các bé thông qua những câu chuyện tại trường học khiến các bé tò mò.
Tiếp theo, bố mẹ có thể nói trước cho bé những hoạt động ở trường. Chẳng hạn, những ngày bé được nghỉ, bố mẹ có thể đưa bé tới trường, thăm quan trường lớp để bé làm quen dần. Bé sẽ nắm được vị trí lớp học, chỗ ngồi, chỗ vui chơi… từ đó giảm cảm giác lạ lẫm, bỡ ngỡ khi bước vào ngôi trường mới.
Những sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý sẽ giúp trẻ tránh bỡ ngỡ với môi trường mới. Cụ thể, thông qua việc luôn khích lệ, động viên các bé ngay cả khi chưa làm việc gì đó để các bé có thêm động lực vượt qua. Phụ huynh không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác bởi mỗi đứa trẻ đều mang một đặc điểm tính cách và những thế mạnh khác nhau.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng tránh phản ứng thái quá trước những kết quả học tập dù tốt hay không tốt của con. Bởi việc đặt áp lực học tập, áp lực điểm số cho con trẻ có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường sau này.
Ví dụ khi trẻ vào lớp 1, phụ huynh khi đón con nên bắt đầu bằng những câu hỏi như: Ở trường hôm nay có gì vui? Điều gì làm con thích thú?… Không mắng trẻ khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập mà nên tìm hiểu nguyên nhân và khích lệ để giúp trẻ học tốt hơn.
Việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái đồng thời giúp con bắt đầu công việc học tập một cách thuận lợi hơn. Bài viết trên hy vọng có thể giúp các bậc phụ huynh chuẩn bị tốt nhất cho các bé những hành trang cả về tinh thần lẫn kỹ năng để có ngày đầu tiên đi học đáng nhớ.